14 tháng 2, 2011

Rượu Bia Và Sức Khoẻ

Rượu và các nước giải khát có cồn khi vào cơ thể sẽ được chuyển hóa ở gan thành acetaldehyd và sau đó thành acid acetic làm cho cơ thể dễ bị ngộ độc rượu do thiếu các men chuyển hóa rượu như alcohol dehydrogenase, acetaldehyd dehygrogenase. Rượu còn có thể chứa các tạp chất khác nhau như methanol là 1 tạp chất rất độc đối với hệ thần kinh.

Rượu và đặc tính của rượu

Rượu và các nước giải khát có cồn đều có chứa ethanol. Khi vào cơ thể, rượu sẽ được chuyển hóa ở gan thành acetaldehyd và sau đó thành acid acetic. Người Châu Á dễ bị ngộ độc rượu do thiếu các men chuyển hóa rượu như alcohol dehydrogenase, acetaldehyd dehygrogenase.

Rượu còn có thể chứa các tạp chất khác nhau như methanol. Methanol rất độc đối với cơ thể do methanol được chuyển hóa ở gan tạo thành những chất độc hại hơn đó là acid formic, formaldehyd (formol) có thể gây mù do tổn thương thần kinh thị giác và nhiễm độc hệ thần kinh trung ương.

Rượu bia ảnh hưởng đến sức khỏe

Ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thần kinh trung ương:

- Nồng độ thấp: gây hưng phần, có cảm giác thư giãn, phấn chấn, nói nhiều. Ở giai đoạn này, người say thường coi nhẹ những hành vi có hại cho sức khỏe như lái xe nhanh, không an toàn có thể gây ra tai nạn lưu thông, sinh hoạt tình dục không an toàn.

- Nồng độ rượu trong máu tăng lên khi uống nhiều rượu, gây kích động, có hành vi hung hăng, khó kiểm soát dẫn tới bạo lực, gây rối an ninh trật tự xã hội.

- Ở mức độ ngộ độc cao, người uống rượu sẽ rơi vào trạng thái ức chế, buồn ngủ, ngủ, giảm khả năng tiếp nhận và phân tích thông tin từ các giác quan. Nồng độ cồn trong máu quá cao có thể dẫn tới hôn mê và tử vong.

Về lâu dài, rượu làm thoái hóa não bộ, gây biểu hiện như Parkinson, rối loạn trí nhớ, rối loạn tâm thần, mất hoặc giảm khả năng lao động sáng tạo và sẽ là gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội.

Rượu, bia còn gây tổn thương gan dẫn tới xơ gan, suy gan, ung thư gan. Gan càng dễ bị tổn thương nếu người uống rượu bia đang bị viêm gan hoặc người lành mang mầm bệnh viêm gan.

Rượu bia liên quan đến bệnh tim mạch

Uống nhiều rượu bia làm gia tăng xơ vữa động mạch, tăng mỡ máu (rối loạn chuyển hóa lipid - máu) dẫn tới các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ.

Phụ nữ có thai mà cũng uống rượu dù ở bất kỳ giai đoạn nào cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển bình thường của thai nhi, gây thiểu não trí tuệ cho thai nhi.

Uống rượu nhiều còn làm gia tăng các nguy cơ khác như: đái tháo đường, ung thư thực quản, dạ dày, gan... uống rượu còn là yếu tố gây suy dinh dưỡng do chế độ ăn không cân đối, hoặc thừa dinh dưỡng do có quá nhiều năng lượng từ rượu bia, thực phẩm có nhiều mỡ ăn kèm theo.

Rượu còn làm nảy sinh và gia tăng những vấn đề xã hội khác như tệ nạn xã hội, tai nạn, bạo lực, hôn nhân không hạnh phúc, tự tử, tăng chi phí khám chữa bệnh, phục hồi chức năng...

- Uống nhiều rượu là yếu tố nguy cơ quan trọng của tăng huyết áp, có thể gây đề kháng với điều trị tăng huyết áp và là một yếu tố nguy cơ của tai biến mạch máu não, đái tháo đường, rối loạn lipid - máu, xơ gan, hội chứng dạ dày.

- Không được uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông.

- Phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh

- Nếu đã nghiện rượu thì cũng cần có biện pháp để hạn chế uống rượu.

- Người cai rượu cần có quyết tâm cao và cần sự hỗ trợ của gia đình, bạn bè, cơ quan: tham gia hoạt động xã hội, thể dục thể thao... trường hợp nghiện nặng, có khi phải nhờ sự giúp đỡ của thầy thuốc, dùng thuốc để cai nghiện rượu bia.

Để thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe nhân dân của Chính phủ từ nay đến năm 2010, chúng ta cùng hưởng ứng: xây dựng làng văn hóa - sức khỏe, tăng cường luyện tập thể dục, thể thao, xây dựng nếp sống có lợi cho sức khỏe, bảo đảm an toàn cộng đồng; hạn chế lối sống và các thói quen gây tác hại đối với sức khỏe như uống rượu bia, hút thuốc lá, không chấp hành an toàn lao động và an toàn giao thông.

Nguồn: Medinet.hochiminhcity.gov.vn

13 tháng 2, 2011

Ăn Nhiều Phô Mai, Tăng Nguy Cơ Ung Thư Ruột?

Nếu ăn nhiều chất trong thịt và các sản phẩm sữa, nguy cơ ung thư sẽ cao hơn nhóm ăn các chất béo như là dầu ôliu.
Ăn nhiều phô mai hơn thông thường có thể làm tăng nguy cơ ung thư ruột, một nghiên cứu mới đây chỉ rõ.

Các nhà khoa học đã phát hiện ra nguy cơ này sẽ tăng cao hơn 50% ở những người ăn nhiều hơn 53g phô mai một ngày. Và việc ăn ít hơn sẽ khiến nguy cơ này hoàn toàn bị đẩy lùi. Và việc nạp vào 1 lượng dầu ôliu tương tự sẽ làm giảm 1 nửa nguy cơ gây bệnh.

Kết quả được đăng tải trên tạp chí Ung bướu EU, xuất phát từ 1 nghiên cứu xem chế độ ăn nhiều chất béo ảnh hưởng như thế nào đến nguy cơ ung thư ruột.

Nghiên cứu đã xem xét thói quen ăn uống của 200 bệnh nhân ung thư ruột và so sánh với 386 tình nguyện viên khỏe mạnh, không bị u ác tính ở ruột.

Các nhà nghiên cứu Hà Lan và Bỉ nhận thấy nếu ăn nhiều chất béo no, bao gồm chất béo trong thịt và các sản phẩm sữa, nguy cơ ung thư sẽ cao hơn nhóm ăn các chất béo lành mạnh như là dầu ôliu và hơn thế, chất béo lành mạnh này còn có tác dụng bảo vệ.

Nhưng các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng số người tham gia nghiên cứu là quá nhỏ để có thể kết luận rằng phô mai ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và kêu gọi có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa vì các dấu hiệu ung thư do sữa là không rõ ràng; các thực phẩm khác như cá, gà, trứng và margarine cũng có ảnh hưởng.

Nguồn: Dân trí

Sôcôla - Siêu Thực Phẩm Tốt Hơn Rau Quả

Tin vui cho những cặp tình nhân khi ngày Valentine (14/2) sắp tới. Một nghiên cứu khoa học mới đây cho thấy, sô-cô-la giàu chất chống ôxy hóa hơn cả các loại nước ép trái cây giàu dinh dưỡng.
Nghiên cứu cho thấy, sôcôla có thể chứa lượng chất chống oxy hóa nhiều như trái cây. Tuy nhiên, việc thêm đường và sữa vào các thanh sô-cô-la bán trên thị trường sẽ làm giảm các ích lợi.

Các nhà khoa học thuộc Công ty sôcôla Hershey (Mỹ) đã tiến hành so sánh lượng chất chống ôxy hóa trong sôccla đen và cacao với nước ép từ các loại “siêu trái cây” (hoa quả rất giàu chất chống ôxy hóa) như quả việt quất, nam việt quất, quả lựu và acai.

Kết quả cho thấy, sôcôla đen và cacao có chứa chất chống oxy hóa flavanol nhiều hơn hoa quả. Trong đó, chất chống ôxy hóa flavanol có tác dụng làm trung hòa các phân tử phân hủy và cũng được cho là có khả năng chống lại bệnh tim và ung thư.

Tờ Daily Mail dẫn lời tiến sĩ Debra Miller, người đứng đầu cuộc nghiên cứu, cho biết: “Bên cạnh việc rất giàu chất béo có lợi và protein, bột cacao và sôcôla đen là những loại siêu thực phẩm có hàm lượng chất chống ôxy hóa cao hơn những loại trái cây được cho là có hàm lượng dinh dưỡng cao nhất”.

Theo một nghiên cứu khác gần đây, ăn một thỏi sôcôla đen mỗi ngày có thể giúp giảm 1/3 nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Trong khi đó, một nghiên cứu khác cũng chứng minh rằng mùi của sôcôla có thể giúp phòng ngừa bệnh cảm cúm.

Tuy nhiên, các loại sô-cô-la chế biến thường có hàm lượng chất béo và đường cao, nên các chuyên gia sức khỏe khuyên chúng ta không nên ăn quá nhiều sôcôla để tránh mắc những bệnh liên quan tới béo phì. Trong trường hợp ăn nhiều sôcôla, bạn nên giảm ăn các loại thực phẩm giàu chất béo và protein, đồng thời tăng cường các loại thực phẩm như gạo nấu, yến mạch, trái cây và rau xanh.

Theo Khoahoc

Bacsi.com

Đừng Bỏ Phí Pectin Trong Cùi Và Hạt Bưởi

Bưởi là một loại trái cây ngon, nhiều vitamin rất được ưa chuộng. Thông thường chúng ta chỉ ăn múi và vứt bỏ hạt, cùi, vỏ mà không biết rằng đã bỏ phí một nguồn Pectin, chính là chất nhầy bao quanh vỏ hạt và trong cùi bưởi, có tác dụng chữa trị khá nhiều bệnh.

Pectin là một loại chất xơ, tan trong nước, làm tăng độ nhớt. Pectin có trong nhiều loại quả, song ở cùi và vỏ hạt bưởi có tỷ lệ cao và dễ chiết xuất nhất.

Trong công nghệ dược phẩm, Pectin được dùng chế thuốc uống, thuốc tiêm (bắp, dưới da) để cầm máu trước và sau phẫu thuật răng hàm mặt, tai - mũi - họng, phụ khoa, chảy máu đường tiêu hóa, tiết niệu. Dung dịch Pectin 5% còn được sử dụng như thuốc sát trùng H2O2 (nước oxy già) trong phẫu thuật răng hàm mặt, tai mũi họng (không gây xót và cầm máu), thấm bông vào Pectin nhét vào chỗ nhổ răng để cầm máu...

Pectin, chính là chất nhầy bao quanh vỏ hạt và trong cùi bưởi, có tác dụng chữa trị khá nhiều bệnh

Tác dụng của Pectin:

- Kéo dài thời gian tiêu hóa thức ăn trong ruột, tăng hấp thu dưỡng chất trong thức ăn.

- Giảm béo (do tạo cảm giác no bụng kéo dài, giảm năng lượng ăn vào, do đó giúp giảm cân ở người béo phì).

- Giảm hấp thu lipid.

- Giảm cholesterol toàn phần trong máu.

- Khống chế tăng đường huyết ở người có bệnh tiểu đường.

- Chống táo bón.

- Cầm máu.

- Sát trùng.

Sau khi ăn bưởi, ta có thể chiết xuất nguồn Pectin quanh vỏ hạt bưởi để làm thuốc phòng và chữa các bệnh nói trên. Cách làm khá đơn giản:

- Hạt bưởi bỏ hết hạt lép (lấy khoảng 20 hạt để chế nước Pectin dùng trong 1 ngày), số còn lại đem phơi hoặc sấy thật khô (vỏ ngoài), đựng trong túi PE khô sạch (hoặc trong lọ khô sạch) để dùng dần.

- Cho hạt bưởi vào cốc, rót nước sôi (còn nóng khoảng 70-80 độ C) ngập hạt, dùng dĩa nhiều răng đánh liên tục chừng 5-6 phút rồi gạn hết nước nhầy vào một cốc riêng. Tiếp tục làm như vậy cho đến khi lấy hết nước nhầy (sờ tay vào vỏ hạt thấy hết nhầy).

Với những giống bưởi có lượng Pectin cao có thể phải đánh hạt với nước 5-6 lần mới hết nhầy. Loại ít Pectin chỉ cần làm 3 lần là được.

Sau khi đã có nước Pectin thô, chúng ta có thể dùng để chữa một số bệnh với liều lượng như sau:

- Chống táo bón, rối loạn lipid máu, bệnh tim mạch: Uống 50ml sau khi ăn bữa chính 60 phút.

- Giảm béo, ngừa tiểu đường: Uống 50ml trước khi ăn bữa chính 5-10 phút.

- Chống chảy máu (răng, máu cam, rong kinh, đa kinh): mỗi lần dùng 20ml, cách nhau 20 phút, trong một giờ liền.

Sau khi chế 3 giờ, nếu không dùng hết nên cho vào tủ lạnh (có thể bảo quản được 48 giờ). Lúc này Pectin sẽ đông lại giống như thạch trắng.

(Theo Khoa học & Đời sống)

12 tháng 2, 2011

Các Loại Thực Phẩm Có Tác Dụng Giải Độc Cho Cơ Thể

Củ đậu chứa nhiều chất xơ nên rất tốt cho tiêu hóa, giúp cho dạ dầy co bóp tốt, có lợi cho đại tiện. Bình thường thì mọi người hay ăn sống, nhưng bạn có thể chế biến thành xào, nấu hoặc là nướng. Nướng thì giữ nguyên cả vỏ, khi ăn sẽ thấy ngọt và rất mát.

Cách ăn uống không đúng, môi trường ô nhiễm, cuộc sống nhiều áp lực khiến cho cơ thể của chúng ta bị tích tụ rất nhiều độc chất. Những thực phẩm nào có thể hóa giải điều đó.

1. Củ đậu: Củ đậu chứa nhiều chất xơ nên rất tốt cho tiêu hóa, giúp cho dạ dầy co bóp tốt, có lợi cho đại tiện. Bình thường thì mọi người hay ăn sống, nhưng bạn có thể chế biến thành xào, nấu hoặc là nướng. Nướng thì giữ nguyên cả vỏ, khi ăn sẽ thấy ngọt và rất mát.

2. Đậu xanh: Đậu xanh thanh nhiệt giải độc, rất lợi tiểu và có tác dụng tuyệt vời trong việc chữa cảm nắng và giải khát. Nên ăn nhiều chè, cháo đậu xanh thì sẽ giải độc và tiêu viêm rất tốt. Tuy nhiên, khi chế biến đậu xanh bạn không nên nấu lâu quá, vì lâu quá sẽ làm cho hàm lượng acid hữu cơ cũng như là vitamin bị mất đi và giảm bớt tác dụng vốn có của nó.

3. Yến mạch: Yến mạch có tác dụng giúp dạ dầy co bóp tốt, nhuận tràng, thông đại tiện nên giải độc rất tốt. Bạn hãy nghiền yến mạch nấu chín thành nước để uống hoặc khi uống cho thêm một số nước hoa quả khác như là táo nho, vừa cung cấp được thêm nhiều thành phần dinh dưỡng, vừa lợi đại tiểu tiện.

4. Ý dĩ: Hạt ý dĩ có tác dụng thúc đẩy tuần hoàn máu, trao đổi nước trong cơ thể, phát huy tác dụng lợi tiểu, tiêu viêm, rất có ích trong việc cải thiện tình trạng của những người béo phì do phù nề. Uống nước ý dĩ là một trong những biện pháp giải độc khá tốt. Bạn hãy đun nhừ hạt ý dĩ rồi cho thêm ít đường vừa đủ vào nguấy đều. Loại nước này vừa giải độc lại vừa có tác dụng làm đẹp da.

5. Hạt kê: Hạt kê không có trấu cám nên sẽ không làm kích thích thành ruột. Đặc biệt là hạt kê có nhiều chất xơ ôn hòa nên rất dễ tiêu hóa, giải độc rất tốt. Bạn có thể nấu cháo kê, cháo kê có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, lợi tiểu, hàm lượng dinh dưỡng lại cao và đối với phụ nữ thì có tác dụng làm trắng da.

6. Gạo chưa giã: Loại gạo này còn giữ nguyên các thành phần dinh dưỡng, có hàm lượng chất xơ phong phú, có tác dụng hút nước, hút mỡ và tạo cho bạn có cảm giác no bụng. Khi ăn loại gạo này sẽ làm cho đường ruột thông suốt, giải độc tốt, rất có ích cho những người hay bị táo bón. Hàng sáng ăn một bát cháo gạo chưa giã hoặc là một cốc sữa đậu lành pha với gạo chưa giã là cách giải độc tốt nhất cho cơ thể.

7. Đậu đỏ: Đậu đỏ có tác dụng thúc đẩy sự co bóp của dạ dầy, giảm táo bón, lợi tiểu. Bạn hãy ngâm đậu đỏ một tối sau đó vớt ra rửa sạch cho vào nồi ninh nhừ thành chè không đường. Cứ cách một ngày ăn một bát chè không đường này thì giải độc rất tốt.

8. Cà rốt: Cà rốt có tác dụng cải thiện tình trạng táo bón của cơ thể. Cà rốt có chứa hàm lượng carontine- phong phú, có thể bài trừ được chất độc. Tuy nhiên, khi chọn lựa cần chú ý rằng cà rốt tươi mới có tác dụng giải độc tốt nhất. Bạn có thể chế biến thành nước ép cà rốt, nếu thích thì cho pha thêm mật ong, nước chanh...vừa ngon vừa giải khát lại vừa giải độc.

9. Sơn dược (một vị thuốc nam): Sơn dược có tác dụng điều chỉnh hệ thống tiêu hóa của cơ thể, làm giảm bớt sự tích tụ của lớp mỡ ở dưỡi da, tránh hiện tượng béo phì và làm tăng được chức năng của hệ thống miễn dịch. Ăn sống sơn dược sẽ có hiệu quả tốt nhất. Rửa sạch sơn dược và cà rốt, cắt thành miếng rồi cho ép thành nước uống, vừa ngon, vừa bổ cho dạ dầy, đường ruột.

10. Ngưu bàng (một vị thuốc nam): Ngưu bàng có tác dụng thúc đẩy toàn hoàn máu, trao đổi chất và điều chỉnh chức năng của hệ thống đường ruột. Ngưu bàng chứa nhiều chất xơ nên có tác dụng giữ nước trong cơ thể, làm mềm phân, rất có ích cho việc giải độc, chữa táo bón. Bạn có thể chế biến ngưu bành thành nước giải khát thay cho nước trà, uống lúc nào cũng được và cần phải uống thường xuyên, lâu dài.

11. Măng lau: Măng chứa nhiều chất dinh dưỡng như kali, asparagine có tác dụng lợi tiểu, đào thải được lượng nước thừa trong cơ thể, giải độc rất tốt. Mầm măng lau tươi chứa nhiều vitamin a, rất tốt cho cơ thể và dễ chế biến thành các món ăn ngon miệng.

12. Củ sen: Củ sen có tác dụng lợi tiểu, và đẩy các chất phế thải ra ngoài cơ thể để làm sạch máu. Củ sen được chế biến nóng lạnh tùy thích. Có thể ép thành nước và cho thêm một ít mật ong để uống, cũng có thể nấu lên thành chè rồi uống, hoặc nấu canh xương...

13. Củ cải: Củ cải có tác dụng lợi tiểu rất tốt. Củ cải chứa nhiều chất xơ nên rất tốt cho những người hay bị táo bón, đồng thời củ cải còn có tác dụng làm giảm béo. Nếu muốn củ cải giải độc có hiệu quả tốt nhất là ăn sống, có thể ép thành nước hoặc là làm sa lát.

14. Cải cúc: Cải cúc chứa nhiều vitamin a, có tác dụng bảo vệ gan và đào thải các chất độc ra ngoài cơ thể. Bạn có thể chế biến thành các món canh hợp khẩu vị để ăn hàng ngày.

15. Lá củ đậu: Chất xơ trong lá củ đậu rất nhiều, lại không có vị đắng chát, khi ăn dễ làm cho ta có cảm giác no bụng, lại thúc đẩy được sự co bóp của dạ dầy, phòng chống được căn bệnh táo bón. Rửa sạch lá củ đậu rồi cho nhúng qua nước đang đun sôi. Sau đó trộn lẫn với tỏi đã băm nhỏ và ít dầu oliu, như vậy bạn đã có một món sa lát vừa bổ vừa ngon miệng.

16. Lá củ cải: Loại rau này có chứa hàm lượng vitamin và xơ vô cùng phong phú, có tác dụng khiến bạn ăn ngon, đường ruột co bóp tốt và cải thiện được tình trạng táo bón của cơ thể. Ngoài nấu canh thì bạn có thể ép lá rau củ cải thành nước. Khi ép nên cho thêm ít mật ong, như vậy vừa giải độc mà lại rất bổ.

17. Xuyên thất: Lá cây xuyên thất có những thành phần dinh dưỡng làm giảm lượng đường trong máu và chữa trị căn bệnh táo bón mãn tính. Cho lá xuyên thất, cà chua, quả kiwi vào xay lẫn để uống hàng ngày, vừa ngon vừa bổ.

18. Giấm: Giấm ăn có tác dụng tăng cường sự trao đổi chất trong cơ thể, thải các chất acid có hại ra ngoài và giải tỏa mệt mỏi, ngoài ra cũng có tác dụng lợi tiểu, thông ruột. Sáng tối mỗi ngày sau khi ăn cơm thì nên uống một chút giấm ăn, như vậy sẽ rất có ích cho sức khỏe.

Chanh Giúp Tẩy Độc Khỏi Cơ Thể

Chanh có đặc tính kháng khuẩn và chống vi-rút.

Bạn cần bổ sung nhiều vitamin C ư? Vậy hãy uống nhiều nước chanh vì đây là nguồn vitamin C phong phú.

Theo báo The Times of India dẫn nguồn tin từ các chuyên gia dinh dưỡng Ấn Độ, uống một ly nước chanh ấm vào buổi sáng sẽ có tác dụng làm sạch hệ tiêu hóa.

Chanh chứa hợp chất giúp tăng khả năng miễn dịch, qua đó cắt giảm nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm. Do chanh có đặc tính kháng khuẩn và chống vi-rút nên bạn có thể ngừa bệnh cảm lạnh bằng cách uống một ly nước chanh mỗi ngày.

Chanh còn giúp lọc máu, từ đó loại bỏ độc tố khỏi cơ thể. Ngoài ra, dùng một lát chanh chà lên móng tay, chân có thể loại bỏ cáu bẩn. Sau khi tắm biển, gội đầu bằng chanh sẽ giúp đem lại mái tóc bóng mượt, không bị rối.

Nguồn: Thanh niên

Vai Trò Của Chất Xơ

Sợi xơ là một phần của thực phẩm chúng ta ăn vào. Hệ tiêu hóa của con người không có men để có thể tiêu hóa được sợi xơ để lấy năng lượng. Tuy không tiêu hóa được chất xơ, nhưng thực sự chúng ta rất cần một lượng chất xơ nhất định trong chế độ ăn bình thường của một người khỏe mạnh.

Tại sao chế độ ăn cần có chất xơ?

Trước tiên, điều dễ nhận thấy nhất là ăn đủ sợi xơ giúp ruột của chúng ta hoạt động điều độ hơn, tránh được táo bón bằng cách tăng khối lượng và làm mềm phân.

Sợi xơ chúng ta ăn vào tạo thành dạng gel ở ruột, gel này gắn kết axít mật. Axít mật hấp thụ cholesterol trong đó, khi axít mật tái hấp thu trở về gan đem theo cholesterol để chuyển hóa, chất xơ tan được làm cho tốc độ lưu chuyển trong ruột nhanh hơn và mang bớt đi cholesterol gắn kết trong axít mật chưa kịp hấp thu trở lại máu. Như vậy, chất xơ góp phần làm giảm cholesterol máu.

Ăn nhiều sợi xơ còn có nhiều lợi ích khác: giảm nguy cơ bị ung thư đại tràng. Ăn nhiều chất xơ tạo cảm giác đầy bụng khiến ta không cảm thấy đói quá sớm. Tại các nước người dân ăn nhiều chất xơ trong khẩu phần hằng ngày, người ta thấy ít bị các bệnh ung thư ruột, béo phì, tiểu đường. Những người tiểu đường và tăng mỡ máu, ăn nhiều sợi xơ còn giúp làm giảm được đường máu và cholesterol máu khá tốt.

Các loại sợi xơ và vai trò đối với sức khỏe

Không phải các loại chất xơ đều giống nhau và có ý nghĩa như nhau. Người ta chia sợi xơ làm 2 loại: sợi xơ không tan được trong nước và sợi xơ tan được trong nước. Cả 2 loại sợi xơ này đều có ích cho sức khỏe. Các loại thực phẩm khác nhau thì chứa các loại sợi xơ khác nhau. Ví dụ: cám yến mạch thì chứa tới 50% sợi xơ tan được trong tổng số chất xơ, còn cám lúa mỳ chỉ có 20% là chất xơ tan được.

Chất xơ không tan được trong nước:

Chất xơ không tan tạo nên chất thô trong ruột và không tiêu hóa được. Chúng giúp cho cơ thể:

- Chống táo bón: Ở trong ruột, chất xơ này trương phồng và làm mềm phân, kích thích ruột tăng co bóp và chống lại táo bón rất tốt. Ăn nhiều chất xơ loại này rất cần uống đủ nước.

- Phòng chống bệnh đường ruột: Sợi xơ không tan làm giảm áp lực trong ruột bằng cách kích thích nhu động ruột, làm cho thức ăn đi qua đường ruột nhanh hơn.

- Ngừa ung thư ruột: Tăng lượng thức ăn không tiêu hóa (tăng sợi xơ) khiến cho tốc độ thức ăn đi qua đường ruột nhanh hơn, do vậy làm giảm thời gian những chất độc tiếp xúc với ruột.

Chất xơ tan được trong nước:

Chất xơ tan được tạo nên các chất kết dính dạng gel hoặc gôm và tan được trong nước. Chúng đặc biệt có vai trò:

- Làm giảm cholesterol máu: Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng thực phẩm có nhiều chất xơ tan được có thể làm giảm cholesterol máu bằng cách làm axít mật đi qua đường tiêu hóa nhanh hơn do đó lấy đi bớt cholesterol máu.

Cám yến mạch, bột yến mạch, đậu đỗ, cám ngô, cà-rốt, táo làm giảm cholesterol tốt.

- Làm giảm đường máu: Ăn nhiều sợi xơ tan được trong bữa ăn có tinh bột (ngũ cốc) giúp cho insulin hoạt động tốt hơn, làm thức ăn xuống ruột chậm hơn, chính vì vậy đường máu sau ăn không tăng nhanh. Điều đó cho phép bệnh nhân dùng ít thuốc chữa tiểu đường hơn.

Thực phẩm có nhiều chất xơ: Các loại cám như cám gạo, cám ngô, cám lúa mỳ, cám yến mạch.

Thực phẩm có lượng chất xơ trung bình: Các hạt ngũ cốc toàn phần như gạo lứt, bột ngô toàn phần, bột mỳ toàn phần.

Thực phẩm có ít chất xơ: Ngũ cốc sau khi đã tinh chế như gạo xát kỹ, bột mỳ, bột ngô...

Bún, miến, bánh cuốn... có nguồn gốc từ ngũ cốc cũng có lượng chất xơ nhất định lúc ban đầu, nhưng sau khi được tinh chế, bún, miến, bánh cuốn... không còn chất xơ trong đó, nên không tốt cho sức khỏe nếu nhìn từ góc độ ăn khoa học.

Nhu cầu chất xơ hằng ngày với con người

Các chuyên gia khuyến cáo ăn 25-30g chất xơ/ngày hay ăn 12g chất xơ cho 1.000calo ăn vào. Hầu hết chúng ta chỉ ăn khoảng 10g chất xơ/ngày. Trẻ em ăn lượng chất xơ tùy theo tuổi, có thể tính 1 cách đơn giản theo công thức: tuổi + 5 = số g chất xơ cần ăn. Ví dụ trẻ 8 tuổi cần 8 + 5 = 13g chất xơ/ngày.

Lưu ý: Nếu thêm quá nhiều chất xơ và quá nhanh sẽ gặp một số biến chứng như táo bón, tiêu chảy, đầy sôi bụng. Những biểu hiện này không trầm trọng và sẽ qua đi trong thời gian ngắn. Nên uống nhiều nước.
Nguồn: Sức khoẻ & Đời sống

Uống Rượu Đỏ Mặt Dễ Bị Ung Thư

Những người hay đỏ mặt khi uống rượu bia nên đặc biệt đề phòng với bệnh ung thư thực quản, các chuyên gia Anh vừa cảnh báo.

Khoảng 8% dân số - hầu hết có nguồn gốc Đông  - bị thiếu hụt một enzyme có tên gọi ALDH2 khiến cho da của họ đỏ dừ lên khi uống rượu.

Công trình của Viện Quốc gia về lạm dụng rượu và chứng nghiện rượu ở Anh đã phát hiện thấy ngay cả những người uống ở mức vừa phải nhưng thiếu hụt enzyme này thì vẫn có nguy cơ mắc bệnh.

Tiến sĩ Philip Brooks và cộng sự đã tìm hiểu gene chi phối việc sản sinh enzyme ALDH2, và tìm thấy những người có một bản sao gene không hoạt động thì có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao gấp 6-10 lần so với những người có enzyme ALDH2 hoạt động đầy đủ, dù uống lượng rượu tương đương.

Nguồn: vnExpress.net

Chất Xơ Không Chỉ Ngăn Chứng Táo Bón

Rau củ quả là nguồn thực phẩm chứa nhiều chất xơ

Ngoài việc giúp cho việc đại tiện trở nên dễ dàng hơn, chất xơ còn có tác dụng ngăn ngừa ung thư, béo phì, tiểu đường, điều trị sỏi mật và giảm mỡ máu.

Tiến sĩ Denis Burkitt thuộc Viện Ung thư Mỹ nhận thấy rằng, dân cư ở các vùng quê châu Phi nghèo khổ ít bị ung thư đại tràng hơn người phương Tây. Ông phát hiện nguyên nhân chính là chế độ ăn rất nhiều chất xơ của họ.

Chất xơ bao gồm hai loại: Loại không tan trong nước gồm cellulo và hemicellulo, có nhiều trong các loại rau xanh, quả, măng... Loại hòa tan gồm pectin, pentozan và chất nhầy, có nhiều trong vỏ cám của hạt gạo, hạt đại mạch, ngô, hạt lạc, các loại đậu, cùi trắng của quả bưởi, cam, vỏ táo, vỏ nho... Vài năm trở lại đây, nhiều nghiên cứu đã đưa ra bằng chứng về những tác dụng đáng kể của chất xơ trong việc phòng và chữa bệnh, ngoài một vài tác dụng đã biết đến từ rất lâu. Tác dụng phòng và điều trị của chất xơ chủ yếu lại tập trung vào các chứng bệnh mạn tính, gắn với tuổi già.

Vỏ hạt đậu tương chứa nhiều chất xơ

Phòng ngừa táo bón: Do có đặc tính hút nước, chất xơ không hòa tan trương lên khi ở trong ruột, làm nở và mềm khối phân, kích thích thành ruột, tăng nhu động ruột khiến việc đẩy phân ra ngoài dễ dàng hơn. Tác dụng này được coi là một tác dụng kinh điển của chất xơ. Ngoài ra, chất xơ có tác dụng hấp phụ các chất độc có trong hệ tiêu hóa, tăng khả năng miễn dịch của hệ thống này, tăng cường hoạt động của hệ vi khuẩn đường ruột nên giảm được nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa, nhất là bệnh tiêu chảy. Tác dụng này thấy rõ ở trẻ em.

Phòng ngừa bệnh ung thư: Các chuyên gia về ung thư học của Mỹ đã khẳng định rằng: chất xơ có tác dụng rất mạnh trong việc phòng ung thư đường tiêu hóa mà đặc biệt là ung thư đại tràng. Nó làm tăng khả năng miễn dịch của hệ thống tiêu hóa, khuyến khích hệ vi khuẩn hữu ích trong ruột phát triển. Chính hệ vi khuẩn này đã tác động thường xuyên lên thành ruột, hạn chế sự phân chia bất thường của các tế bào, kìm hãm sự phát sinh, phát triển các túi nang bất thường trên thành ruột. Hơn nữa, khi lên men trong ruột, chất xơ còn tạo môi trường có tính khử cao, chống lại các chất oxy hóa; mà đại tràng là nơi phát sinh và chứa nhiều chất oxy hóa, chất độc trong quá trình chuyển hóa thức ăn.

Riêng các chất xơ hòa tan lại có một vai trò trong chuyển hóa lipid, glucid và lipoprotein. Vì thế, nó làm giảm thời gian thức ăn tồn đọng trong hệ tiêu hóa, giúp hệ thống này ít phải chịu sức ép của thức ăn về góc độ khối lượng cũng như sinh hóa.

Chất xơ còn có tác dụng ngăn ngừa nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ. Với những phụ nữ có chế độ ăn nhiều chất xơ, ít chất béo và đạm, nguy cơ ung thư vú có liên quan đến oestrogen giảm đáng kể. Ở những trẻ em gái có chế độ ăn như vậy, tuổi xuất hiện kinh nguyệt cũng muộn hơn và vì thế sẽ ít bị ung thư vú hơn khi trưởng thành

Giảm mỡ máu: Khi các chất xơ không hòa tan hút nước, chúng giữ luôn một phần muối mật nên kích thích cơ thể tăng cường sản xuất muối mật để bù vào lượng thiếu hụt, vì thế mà tăng sử dụng cholesterol. Lượng cholesterol tích lũy sẽ giảm đi kéo theo lượng cholesterol trong máu cũng giảm. Còn các chất xơ hòa tan tác động lên quá trình chuyển hóa lipid nên giảm nguy cơ xơ vữa động mạch. Các chuyên gia khuyên rằng những người bị tăng cholesterol máu nên tăng lượng chất xơ trong khẩu phần hằng ngày.

Phòng ngừa và điều trị tiểu đường: Chất xơ làm hạn chế tăng đường huyết sau khi ăn; nhất là các chất xơ hòa tan do có khả năng tăng tính nhạy cảm của insulin. Nó tham gia chuyển hóa triglycerid nên giúp kiểm soát nồng độ đường trong máu một cách hiệu quả. Đường sẽ được giải phóng từ từ vào máu, duy trì được nồng độ đường/máu một cách ổn định. Đây chính là mục đích của việc phòng ngừa và kiểm soát bệnh tiểu đường.

Chống béo phì: Chất xơ không có giá trị dinh dưỡng nên chỉ tạo cảm giác no mà không không tăng lượng calo cho cơ thể. Vì thế, nó rất lợi cho những người bị béo phì. Mặt khác, do chất xơ có thể hạn chế và kiểm soát lượng đường trong máu nên không tạo ra tình trạng thừa đường để chuyển hóa thành mỡ dự trữ. Ngay trong quá trình tiêu hóa thức ăn, cả chất xơ hòa tan và không hòa tan đều làm tăng tốc độ vận chuyển thức ăn trong ruột, hạn chế được sự hấp thu các chất dinh dưỡng nên cũng hạn chế tăng cân.

Điều trị sỏi mật: Khi kết hợp với acid mật, các chất xơ tự nhiên ngăn chặn nguy cơ tạo ra sỏi mật.

Chất xơ quan trọng như vậy nhưng vẫn ngày càng giảm đi trong khẩu phần ăn hằng ngày do sự phổ biến loại thực phẩm tinh chế, đã bị loại bỏ gần hết chất xơ. Theo một khảo sát gần đây, lượng chất xơ trong khẩu phần ăn của chúng ta hiện nay chỉ bằng 40-50% so với 30 năm trước. Đó chính là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc các căn bệnh của xã hội hiện đại như ung thư, tim mạch, tiểu đường...

Với người Việt Nam, để có đủ chất xơ trong một ngày, mỗi người cần ăn tối thiểu 300 g rau xanh và 100g quả tươi.

Nguồn: Sức khỏe và đời sống

Sữa Đậu Nành - Giá Trị Dinh Dưỡng, Trị Liệu

Sữa đậu nành là một trong những thức uống khá phổ biến làm từ đậu tương, vị mát, hơi ngậy. Sữa đậu nành làm giảm nguy cơ gây ra bệnh tim mạch và duy trì sức khỏe con người.
Trong mươi năm gần đây, dân chúng ở các quốc gia Âu Mỹ bắt đầu tiêu thụ một số lượng rất lớn các phó sản của đậu nành. Họ đã được các nhà nghiên cứu khoa học thông báo nhiều ích lợi về dinh dưỡng cũng như trị liệu của loại thảo mộc này. Ðã có ít nhất là ba cuộc hội thảo quốc tế về vai trò của đậu nành trong việc phòng ngừa và trị các bệnh kinh niên. Truyền thông báo chí cũng đăng tải nhiều nghiên cứu về công dụng của đậu nành. Và Cơ Quan Dược Phẩm và Thực Phẩm Hoa Kỳ đã chấp thuận cho các nhà chế biến được giới thiệu là các sản phẩm này có giá trị trong việc làm giảm nguy cơ gây ra bệnh tim mạch và duy trì sức khỏe con người. Ðây là một việc làm hiếm có vì cơ quan trên thường rất dè dặt trong các công nhận tương tự nhất là chỉ căn cứ vào kinh nghiệm, quan sát.

Thực ra đậu nành, mà ta còn gọi là đỗ tương, đã được các quốc gia Á Châu, trong đó có Việt Nam dùng làm thực phẩm và thuốc từ nhiều ngàn năm về trước. Ðậu nành xuất phát từ Trung Hoa rồi lan ra các quốc gia khác ở Á Châu. Tây phương chỉ mới biết tới đậu nành từ thế kỷ thứ 18. Nhưng hiện nay các quốc gia dọc theo sông Mississipi có sản lượng rất cao về đậu nành trên thế giới. Bên Hoa Kỳ, phần lớn đậu nành được dùng để nuôi súc vật và chỉ có khoảng 26 triệu người dùng làm thực phẩm, trong khi đó ở Á Châu nó là nguồn dinh dưỡng quan trọng.

Thành phần hóa học

Hạt đậu nành chứa 8% nước, 5% chất vô cơ, 15- 25% glucose, 15-20% chất béo, 35- 45% chất protein với đủ các loại amino acid cần thiết; các loại sinh tố khoáng chất. So với thịt động vật, đậu nành có nhiều chất dinh dưỡng hơn: 100 gr đậu nành có 411 calo, 34 gr protein, 18 gr béo, 165mg calcium, 11mg sắt; trong khi đó thịt bò loại ngon chỉ có 165 calo, 21gr protein, 9gr béo, 10mg calcium, 2.7mg sắt. Vì có nhiều protein nên đậu nành đã được coi như thịt không xương ở nhiều quốc gia Á Châu. Tại Nhật bản, Trung Hoa 60% protein tiêu thụ hàng ngày đều do đậu nành cung cấp. Protein này rất tốt để thay thế cho protein động vật vì có ít mỡ và cholesterol. Nhưng quan trọng hơn cả là trong đậu nành có một hóa chất tương tự như kích thích tố nữ estrogen mà nhiều công trình khoa học chứng minh là rất tốt trong việc trị và ngừa một số bệnh. Ðó là chất isoflavones.

Chất isoflavones

Trong số các loại đậu, đậu nành là loại đặc biệt có hợp chất isoflavone mà công thức hóa học gần giống như kích thích tố nữ estrogen. Vì thế nó được mệnh danh là estrogen thảo mộc (phyto-estrogen) và được nghiên cứu về công dụng đối với cơ thể. Estrogen là kích thích tố tự nhiên được noãn sào tiết ra, rất cần thiết cho sự tăng trưởng của cơ quan sinh dục chính (tử cung, ống dẫn trứng) và sự nẩy nở của cơ quan sinh dục phụ nữ như nhũ hoa, làm xương chậu có hình bầu dục rộng hơn để sanh đẻ dễ dàng. Ngoài ra estrogen còn cần để duy trì một sức khỏe tốt cho người nam cũng như nữ, cho sự tân tạo và tu bổ xương, cho hệ thống tim mạch, cho não bộ. Khi tới tuổi mãn kinh, người nữ mất đi một khối lượng rất lớn estrogen nên họ chịu đựng nhiều thay đổi. Estrogen thực vật không có giá trị dinh dưỡng, không là sinh tố hay khoáng chất. Nó có tác dụng tương tự như estrogen thiên nhiên nhưng yếu hơn, và có nhiều nhất trong đậu nành. Nó nằm ở phần dưới của tử diệp trong hạt đậu và gồm bốn cấu tạo hóa học là aglycones, daidzein,ghenistein và glycitein. Số lượng isoflavones nhiều ít tùy theo giống đậu, điều kiện trồng trọt và mùa gặt hái. Nó được chuyển hóa trong ruột, lưu hành trong huyết tương và phế thải qua thận. Trung bình mỗi ngày ta cần 50mg isoflavones. Số lượng này thường thấy trong 30gr đậu nành rang, 1 ly sữa đậu nành, 1/2 miếng đậu phụ, 1/2 ly bột đậu. Hot dogs, burger, cheese, yogurts làm bằng đậu nành cũng có một số lượng nhỏ isoflavones còn dầu đậu nành thì hầu như không có. Trong việc nấu nướng thường lệ, isoflavones không bị tiêu hủy vì nó khá bền vững. Giá trị trị liệu của Isoflavones đậu nành được biết tới là do kết quả của quan sát. Từ những năm của thập niên 1920, người ta đã nghi ngờ là thảo mộc có một hóa chất có tác dụng giống như kích thích tố nữ. Năm 1940, các mục đồng bên Úcc Châu nhận thấy khi ăn loại cỏ ba lá clover , cừu cái giảm khả năng sinh sản và có dấu hiệu của quá nhiều estrogen trong cơ thể. Mấy chục năm sau, nhiều nghiên cứu kế tiếp thấy rằng một số thảo mộc khác cũng có hóa chất tương tự như estrogen. Các nhà y học nhận thấy tỷ lệ người mắc bệnh ung thư nhũ hoa, nhiếp tuyến, tử cung, các bệnh tim thường thấp ở phần lớn các quốc gia Âu Châu ăn nhiều đậu nành. Ngay cả phụ nữ da trắng, tỷ lệ này cũng thấp nếu họ ăn nhiều đậu nành. Vai trò của isoflavones đậu nành được nhắc nhở tới và nhiều nghiên cứu đã được tập trung vào nhất là trong lãnh vực ung thư, bệnh tim, bệnh loãng xương, rối loạn kinh nguyệt.

Ðậu nành và bệnh tim-mạch

Ngay từ đầu thế kỷ 20, các nhà khoa học Nga đã nhận thấy rằng chất đạm của đậu nành làm hạ thấp cholesterol ở súc vật. Rồi gần 50 năm sau, những kết quả tương tự cũng thấy ở loài người. Cholesterol cao trong máu là nguy cơ gây ra bệnh tim mạch. Lames W. Anderson, một chuyên gia về bệnh nội tiết và dinh dưỡng, thấy rằng một chế độ dinh dưỡng có nhiều đậu nành sẽ làm cholesterol giảm đi 12%, LDL giảm 13%, HDL không thay đổi mấy. Theo ông ta, chỉ cần ăn độ 30gr đậu nành mỗi ngày là có kết quả trên. Sở dĩ được như vậy là do các tác dụng của các chất amino acid trong đậu nành, đặc biệt hai chất glycine và arginine. Ngoài ra, isoflavones cũng tác dụng như một chất chống oxy hóa (antioxidant) ngăn chặn không để các các gốc tự do ( free radical ) tấn công LDL và làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Một nghiên cứu khác cho là đậu nành làm hạ cholesterol bằng cách làm tăng sự phế thải và làm giảm sự hấp thụ chất béo này. So sánh chế độ dinh dưỡng và bệnh tim mạch ở Mỹ và Nhật Bản cho thấy có sự khác biệt trong tỷ lệ người bệnh và số tử vong. Số người chết vì bệnh này ở Nhật thấp hơn tới sáu lần ở Mỹ. Người Nhật sống ở Hawaii bị nhồi máu cơ tim cao hơn người Nhật sống ở Mỹ và thấp hơn người Nhật sống trên đất Phù Tang. Ðiều đó chứng tỏ ngoài nguyên nhân di truyền, bệnh tim còn chịu ảnh hưởng của môi trướng với chế độ ăn uống và nếp sống. Người Nhật sống tại quê hương tiêu thụ rất nhiều protein do đậu nành cung cấp.

Ðậu nành và ung thư.

Ung thư là mối đe dọa lớn của nhân loại mà nguyên nhân vẫn chưa được hoàn toàn sáng tỏ. Chế độ dinh dưỡng cũng có dự phần và đậu nành được nhiều nghiên cứu cho là có khả năng làm giảm nguy cơ gây vài loại ung thư có liên hệ tới kích thích tố như ung thư ngực, tử cung, nhiếp tuyến. Trong bệnh ung thư, tế bào bất thường tăng trưởng và sanh đẻ vô tội vạ, xâm lấn, tiêu hủy tế bào lành rồi cùng nhau lan ra khắp cơ thể. Các tế bào này xuất hiện dưới tác dụng của những tác nhân gây ung thư mà thực phẩm là một trong những nguồn cung cấp. Chất nitrites trong chế biến thịt, aflatoxin trong đậu phọng, vài hóa chất trong thuốc trừ sâu bọ, mỡ béo, saccharin, chất cà phê. Nhưng thực phẩm cũng chứa nhiều chất chống ung thư mà đậu nành nằm trong nhóm này. Ðó là nhờ estrogen thực vật, choán chỗ không cho estrogen thường trong máu bám vào các tế bào của nhũ hoa, tử cung để gây ung thư.

Ðậu nành và bệnh thận

Trái thận tốt rất cần thiết để làm ít nhất một số nhiệm vụ phế thải: phế thải chất bã do chuyển hóa của protein, phế thải nước, sinh tố, khoáng chất dư trong cơ thể, phế thải độc chất trong thực phẩm. Người mắc bệnh thận, các chức năng trên suy yếu. Tiết giảm protein ăn vào là một phương thức trị liệu để bớt nặng nhọc cho thận. Nhưng khi protein động vật đươc thay thế bằng protein thực vật như đậu nành thì số lượng protein trong nước tiểu giảm, chứng tỏ thận bớt phải làm việc quá sức. Protein đậu nành cũng làm giảm nguy cơ bệnh sạn thận bằng cách không để calcium thất thoát qua nước tiểu. Isoflavones đậu nành còn làm bout cảm giác nóng bừng mặt trong thời kỳ mãn kinh của nữ giới, làm tăng tính miễn dịch, làm giảm các triệu chứng của tiểu đường, bớt sạn túi mật.

Những thức ăn đậu nành

Ngày nay nhiều người đã ý thức rằng đậu nành có tỷ lệ chất đạm rất cao, có nhiều sinh tố, khoáng chất, chất xơ và isoflavones hữu ích. Protein của đậu nành không những có giá trị dinh dưỡng như protein động vật, mà lại dễ tiêu hơn, ít chất béo bão hòa có hại. Họ đã ăn các món ăn chế biến từ đậu này. Ðể đáp ứng nhu cầu, thị hiếu dân chúng, nhiều món ăn có căn bản đậu nành đã được bầy bán. Kỹ nghệ chế biến thực phẩm này hiện rất bành trướng và phát triển. Ngoài các món cổ điển như sữa đậu nành, đậu phụ để trong bao ta còn thấy bacon đậu nành, hot dogs đậu nành, tofu cheese, yogurt đậu nành, veggie burger, hoặc giả thịt gà, thị bò bằng đậu nành. Vào các tiệm ăn Á Ðông khách còn có thể ăn những món như Tempêh, Miso, Natto, Endamane... Với người Việt chúng ta thì các món ăn từ đậu nành kể ra sợ không bao giờ hết. Có người nói là ta có đến ba trăm loại thức ăn chế từ đậu nành. Chỉ với những miếng đậu phụ, chúng ta đã có những món ăn chay hấp dẫn như đậu hũ cuốn bắp, đậu hũ hấp chao, đậu hũ kho gừng, đậu hũ hấp, đậu hũ nướng chao, đậu hũ kho trần bì, đậu hũ chiên sả, chưng chiên, nấu củ năng, nấu chao. Ta cũng không quên món tương. Vâng "anh đi anh nhớ quê nhà, nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương". Tương được làm ở mọi nơi trên quê hương nhưng nếu lại là tương từ làng Bần thì hết chỗ nói. Tương là một thứ nước chấm làm từ đậu nành, nếp, muối, ủ theo quy cách nhất định. Ðây là món ăn do tác dụng của vi sinh vật, rất giầu đạm chất thực vật nên vừa bổ vừa dễ tiêu. Còn Bần là làng Bần Yên Nhân, thuộc huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, cách thủ đô Hà Nội khoảng 12 cây số. Dân làng Bần có truyền thống nhiều đời làm tương vào tháng năm tháng sáu khi có nắng, rất cần để phơi tương cho mau lên men và ủ cho khỏi mốc. Qua một thủ tục chế biến phức tạp nhưng quen rồi, khoảng ba tháng sau là họ đã có những hũ tương ngon tuyệt cú mèo để bán cho khách hàng tứ xứ. Tương là món ăn quá thông dụng với dân tộc ta, từ vua chúa, trưởng giả tới thứ dân qua nhiều ngàn năm lịch sử. Mỗi gia đình thường làm hoặc mua một hũ tương để dùng quanh năm. Không cầu kỳ, ta chỉ việc dùng tương như món chấm: rau muống chấm tương, đậu phụ rán chấm tương, bánh đúc chấm tương. Nấu nướng lách cách ta có tương hột kho nước dừa, tương xí muội... Hoặc giản dị như những bác thợ cầy, cô thợ cấy, ta chỉ cần bát cơm nóng rưới vài thìa tương là đã xong một bữa ăn có đủ dưỡng chất. Sang hơn nữa là bữa cơm với ít ngọn rau muống luộc xanh rờn trong lửa to, mấy miếng đậu rán vàng, vài quả cà dầm tương đỏ, giòn, thơm và ngọt. Ôi một phần quê hương ta đấy! Gói ghém trong những món ăn giản dị nhưng mà giầu dân tộc tính. Các vị lang y ta cũng đã dùng chế biến từ đậu nành làm thức ăn cho người bị bệnh thấp khớp, bệnh gout, người mới ốm cần bình phục, người làm việc lao động quá sức, làm sữa uống cho trẻ sơ sinh. Kỹ nghệ Âu dược dùng amino acid từ đậu nành để chế biến kích thích tố progesterone.

Với sự tăng gia dân số trên thế giới, con người đang lo ngại thiếu thực phẩm nhất là protein động vật và đang tìm cách chế biến thực phẩm từ hóa chất. Chắc họ cũng không quên "vua trong các loại đậu" là đậu tương, đậu nành một thực vật dễ trồng lại có giá trị cao về protein và nhiều phần tử dinh dưỡng khác.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Nguồn: Khỏe 24

Đậu Nành Giúp Giảm Ung Thư Phổi

Đậu nành xưa nay được xem như một thực phẩm rất tốt và bổ dưỡng cho sức khỏe. Không những thế, các chế phẩm từ đậu nành còn rất tốt cho những người mắc bệnh ung thư phổi.

Nam giới không hút thuốc và ăn nhiều đậu nành giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi, theo chuyên san Clinical Nutrition. Các chuyên gia Trung tâm Ung thư quốc gia (Nhật Bản) đã khảo sát chế độ ăn của hơn 36.000 nam có độ tuổi từ 45 đến 74 và không bị ung thư, trong số này có 13.000 người không hút thuốc lá.

Sau 11 năm theo dõi, nhóm nghiên cứu nhận thấy trong số không hút thuốc lá, có 22 trường hợp ung thư phổi nằm ở những người ăn ít đậu nành nhất, và chỉ có 13 trường hợp ung thư phổi ở những người ăn nhiều đậu nành nhất. Theo nhóm chuyên gia, đậu nành chứa chất isoflavones có đặc tính giống như estrogen có thể chống lại các loại ung thư.

Nguồn: thanhnienonline

10 Lợi Ích Của Quả Bơ

Có những lợi ích từ quả bơ mà không phải ai cũng biết. Dưới đây là 10 lợi ích về sức khỏe mà quả bơ có thể mang lại cho bạn nếu dùng nó mỗi ngày.

1. Chống ung thư thận

Các nhà nghiên cứu ở Mỹ đã chứng minh rằng, trong trái bơ có chứa một số chất giúp chống ung thư như trong một số trái cây rau quả khác.

2. Tăng khả năng chống ung thư miệng

Một số hợp chất có trong trái bơ có thể phát hiện những tế bào có khả năng ung thư hoặc gây ung thư miệng và tiêu diệt chúng mà không gây hại đến những tế bào khỏe mạnh.

3. Chống ung thư vú

Giống như dầu ô liu, bơ có chứa lượng axit oleic khá cao. Đây là loại axit giúp ngăn ngừa ung thư vú.

4. Tốt cho mắt

Trong bơ có chứa lượng lutein carotene cao hơn bất cứ loại trái cây nào khác. Chất này giúp chống sự thoái hóa thành các vết đen, bệnh đục nhân mắt và một số bệnh về mắt liên quan đến tuổi thọ.

5. Giảm Cholesterol

Bơ có chứa rất nhiều beta-sitosterol, là một hợp chất làm giảm tỉ lệ cholesterol. Một nghiên cứu tiến hành trên 45 người đã cho thấy ăn một quả mỗi ngày sẽ giúp giảm tỉ lệ chất béo xuống khoảng 17% chỉ trong vòng một tuần.

6. Giúp tim khỏe mạnh

Một ly bơ có chứa 23% folate, chất đã được chứng minh có tác dụng giảm nguy cơ do bệnh tim gây ra so với những người không ăn. Vitamin E và glutathione có trong bơ cũng rất tốt cho tim của bạn.

7. Chống đột quỵ

Tỉ lệ folate cao trong bơ giúp giảm thiểu tối đa các cơn đột quỵ.

8. Hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn

Một nghiên cứu cho thấy những người ăn salad kèm với bơ sẽ hấp thụ lượng caroteroid (bao gồm lycopene và carotene) gấp 5 lần so với việc ăn salad không.

9. Glutathione

Bơ chứa rất nhiều glutathione - chất chống ôxy hóa rất quan trọng trong quá trình ngăn chặn sự lão hóa, ung thư và bệnh tim.

10. Vitamin E

Bơ là nguồn cung cấp vitamin E tốt nhất cho cơ thể. Vitamin này giúp ngăn ngừa bệnh tật và duy trì một cơ thể khỏe mạnh.

Bacsi.com
Theo PNO

2 tháng 2, 2011

“Nữ hoàng gợi cảm” Lee Hyori học ăn chay

(Dân trí) - Không chỉ xinh đẹp, tài năng mỹ nhân xứ Hàn Lee Hyori còn là người có tấm lòng nhân ái. Bên cạnh các công tác từ thiện giờ ngôi sao 32 tuổi muốn kêu gọi mọi người yêu thương động vật và ăn chay...
Lee Hyori tham gia chụp hình và trả lời phỏng vấn trên số mới của tạp chí Cosmopolitan. Ca sĩ không chỉ cung cấp những tấm hình đẹp mà cô còn chia sẻ suy nghĩ của mình vấn đề bảo vệ động vật và thú nuôi.

Cô bắt đầu: “Tôi luôn dành một sự quan tâm đặc biệt đến những con vật bị bỏ rơi, và tôi sẵn sàng nhận nuôi chúng nếu tôi biết. Các con vật nuôi trong nhà không phải là đồ chơi và tôi hy vọng mọi người hãy thông qua những con vật này suy nghĩ để cứu lấy cuộc sống”.
Cá nhân Lee Hyori đã nêu ra một số con vật mà cô đã chăm sóc khi đi tình nguyện và tiết lộ rằng cô đã quyết định nhận nuôi một con.

Người đẹp cũng cho biết thêm: “Hiện giờ tôi đang học thêm về cuộc sống sinh thái. Tôi bắt đầu tập ăn chay từng bước như dùng đồ ăn nhanh bằng sản phẩm hữu cơ. Tôi cũng đang cố gắng để cuộc sống của mình như là một hệ sinh thái thân thiện nhất có thể”.

Toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn và hình ảnh của Lee Hyori trên tạp chí Cosmopolitan sẽ được phát hành vào tháng 2 tới.

Linh Nhã Theo Korean

1 tháng 2, 2011

Món chay ngon dưới ánh sáng đạo Phật

Nguồn: http://thoisuphatphap.wordpress.com/2011/02/01/mon-chay-ngon-d%C6%B0%E1%BB%9Bi-anh-sang-d%E1%BA%A1o-ph%E1%BA%ADt/

Tác giả: Mike Ives (nguyên văn tiếng Anh, đăng trên báo Boston Globe, Hoa Kỳ)

Chuyển ngữ: Diệu Sương, Thiên Ân

Người Hà Nội liên tưởng việc ăn chay với Phật giáo, vì vậy khi cô Lê Tố Nga ngưng ăn thịt năm 2006, các bạn của cô ta cho rằng quyết định đó từ động lực tâm linh. Họ thắc mắc có phải cô sắp trở thành ni cô?

Không, Nga trả lời. Cô muốn một lối ăn lành mạnh. Cô giải thích quyết định của cô. Phần khó khăn là tìm món chay ở một phố mà hầu hết nhà hàng đều phục vụ thịt hoặc hải sản, và những món được gọi là chay có thể ướp bằng nước mắm hay trang trí với lỗ tai heo.

Năm năm về trước, Nga chỉ biết một nhà hàng chay, Nàng Tấm, khai trương vào giữa thập niên 1990 ở cuối ngõ đường đầy lá cây. Nhưng thời gian đã thay đổi thủ đô Việt Nam, nơi mà số nhà hàng chay đã tăng lên đến ít nhất 15. Ẩm thực địa phương có phần thay đổi do mức sống được nâng cao và do ý thức sức khỏe trong giới trung lưu Việt Nam.

Cô Nga phát biểu vào buổi tối mới đây tại Khải Tường, một nhà hàng chay khai trương vào năm ngoái trên đường cạnh Kim Mã, một đại lộ tấp nập xe gắn máy: “Vài người Hà Nội ăn chay vì họ bị lên cân và muốn giữ dáng, vài người vì lý do tôn giáo, và những người khác chỉ vì hiếu kỳ”.

Vừa ăn chả giò chay, Nga vừa kể: “Mới đầu các bạn tôi theo tôi đến nhà hàng. Bây giờ họ tự đi.”

Nhà hàng chay Hà Nội nổi tiếng phục vụ mì căn với nhiều món truyền thống Việt Nam. Quá nhiều món giả mặn bị cường điệu hóa qua cái nhìn của người Tây phương, nhưng một vài nơi phục vụ món ngon với lối chay thực dưỡng, có thể xứng đáng với những quán thuần chay ở Brooklyn hay Berkeley. Bỏ qua vấn đề giả mặn, những nhà hàng này giúp người thuần chay và người ăn chay thử qua món ăn Việt Nam mà không lo sợ bị ăn nhằm thịt.

Phần lớn thực khách các quán cơm chay ở Hà Nội đến bằng xe gắn máy và hít thở bầu không khí đượm ảnh hưởng Phật giáo. Họ phục vụ những món giống nhau — món xào rau củ chay và chả giò chay — nhưng mỗi nhà hàng tạo mỗi sự rung cảm khác nhau.

Nàng Tấm là nhà hàng chay nổi tiếng của thành phố. Phòng ăn theo phong cách phương Tây, có quầy rượu, khăn bàn, và một lò sưởi. Nàng Tấm lấy tên từ truyện cổ tích Việt Nam giống như cô bé Lọ Lem Cinderella. Truyện kể ngày xưa Bụt cho một thiếu nữ mồ côi nhà nghèo một đôi hài. Hài được mang đi dự hội gặt hái để được chọn làm hoàng hậu. Nhưng cô bị bà con ganh tỵ và bị sát hại đến hai lần, đầu thai làm chim hoàng oanh và cây đào.

Khắp phố, nhà hàng chay khuyến khích bảo vệ môi trường. Một chi nhánh ở Hà Nội có nhà hàng chính Loving Hut ở California, người phục vụ mặc tạp-dề màu tím quảng cáo www.suprememastertv.com, trang nhà khuyến khích chiến lược thuần chay để chống nạn hâm nóng toàn cầu. Ở Khải Tường, một truyền hình chiếu bài giảng của Sư Thích Chân Quang, theo lời chủ nhà hàng, Sư nói lý do ăn chay là để “bảo vệ môi trường và giúp tâm thanh tịnh”.

Nếu may mắn, bạn sẽ được ăn chung với các vị Sư xung quanh vùng. Tôi đã được vào hôm thứ hai gần đây ở Cơm Chay Hà Thành, một nhà hàng trong ngõ của trung tâm Hà Nội. Các vị Sư này từ một chùa gần bên. Khi chư Tăng tặng tôi phần cơm chưa dùng, tôi đã thỉnh quý Ngài dùng cơm với tôi vào một hôm khác.

Ba thứ hai sau ,một vị Ni ít nói dùng cơm chung với tôi, thông dịch viên của tôi là cô Thu Dương, và nhiếp ảnh gia Aaron Joel Santos tại Hà Thành. Tôi gọi cơm, cà tím kho, chả giò, và “bò” sa tế với thơm. Vị Ni, Minh Việt, chọn món súp rong biển và khoai tây chiên. Trước khi cầm đũa, Ni cầu nguyện cho nhà nông, người trồng lúa, rau củ và nhà bếp, người nấu món ăn.

Ni nói: “Ăn chay là số mệnh của tôi” Uống một chút sinh tố cà rốt, Ni tiếp: “Ở nhà hàng này món ăn ngon vì người nấu với tất cả tấm lòng”.

Những chọn lựa cho món chay còn hạn chế. Nhiều bảng hiệu trên đường quảng cáo phở (phở gà hay bò), bún chả (thịt nướng với bún), cơm bình dân (cơm thịt), và thịt chó. Tracey Lister từ Trung Tâm Nấu Ăn Hà Nội nói, trong khi các hàng rong có vài món cho người ăn chay, đáng chú ý là xôi và khoai lang, đa số đầu bếp không hiểu tại sao người không theo đạo Phật lại phải tránh thịt.

Đó là tại sao Lister, người mở lớp nấu ăn của “Nấu ăn Đậu hủ Thuần chay”, khuyên người Tây ăn chay nên nói với phục vụ viên rằng họ là Phật tử. Như vậy đơn giản hơn phải liệt kê những món mà họ không ăn được.

Cô Lister, một đầu bếp và tác giả người Úc, nói: “Thức ăn quan trọng trong văn hóa Việt Nam”. Với nhiều nhà hàng mọc lên ở Hà Nội, người Tây ăn chay “tới đây may mắn hơn 10 năm về trước.”

Không phải ai cũng đổ về những nơi này. Cô Lister không cảm thấy sự thu hút. Ngay cả Matt Law, người cả đời ăn chay, chủ quán Le PUB dưới phố. Ông Law nói không giống như ở miền Nam TPHCM, món chay kết hợp với khẩu vị địa phương hơn, còn thức ăn chay ở Hà Nội cho ông cảm tưởng là thường xuyên không có sự sáng tạo.

Ở Hà Nội, tục lệ phục vụ món giả thịt có từ truyền thống Phật giáo. Phật tử ăn chay ở chùa vào mùng một và rằm mỗi tháng. Cô Nguyễn Thị Minh Nga, đầu bếp của chùa, nói rằng trong khi đa số chư Tăng địa phương ăn rau, chùa đãi những món như “bánh thịt heo” chay và “sườn nướng” chay cho khách ăn mặn.

Giả thịt có thể là vấn đề cho những người tu Phật như Nguyễn Hồng Sơn, sanh ở Hà Nội, đã ăn chay trường và là Phật tử Tây Tạng hồi năm ngoái. Gặp Sơn ở nhà hàng Nam An Hà Nội, Sơn nói: “Tôi ăn chay vì không muốn giết súc vật. Nếu ai gọi món chay là ‘gà’ hay ‘bò’, rất khó có cảm hứng để ăn.”

Nam An có thể là nhà hàng chay ngon nhất của Hà Nội. Vài món không kiểu cách, ở quán ăn gia đình, như món “đùi gà” bằng cà rốt và khoai môn, rõ ràng là chế giống thịt. Nhưng phần lớn, các đầu bếp ít nghĩ đến hình dạng thức ăn của mình giống gì, mà quan trọng là có ngon hay không.

Bầu không khí thanh thoát ở ngõ hẻm Nam An cho ta cảm giác “Phòng khách Hà Nội” và có thực đơn cho những món giá 2 Mỹ kim. Hơn nữa, thức ăn được đem đến với cơm gạo lứt — rất hiếm ở Việt Nam, nơi mà cơm trắng là loại phổ biến — và nước uống là những ly trà gạo lứt. Một nhà hàng ngon khác là Cơm Chay Mây Trắng, khai trương hồi tháng 10, 2009 ở quận Hồ Tây sang trọng. Chỗ khiêm tốn này, tọa lạc gần hai bờ hồ của chùa, là nơi thực nghiệm món ăn thiền vị khác thường. Khách vào nhà hàng qua sân nhỏ đến phòng ăn thoáng khí với nhiều chậu cây treo và bàn tre. Tiếp viên mang ra những đũa cây đựng trong giỏ đan. Cách phục vụ chậm, nhưng chậm theo kiểu từ từ của lối “ăn chậm”.

Qua hai lần gần đây ở Mây Trắng, các bạn tôi và tôi thử cơm gạo lứt, gỏi bắp chuối, tàu hủ gói rong biển, mì căn chiên với cần tây và bô rô, và canh bí rợ đậu xanh tán. Món ăn đến bất cứ khi nào được làm xong, và rất đáng để chờ. “Chúng tôi cố gắng giúp người ăn trong tỉnh thức,” quản lý nhà hàng Phạm Thị Bắc, theo đạo Phật từ năm 2009, cho biết như trên. “Trong cuộc sống hiện đại, nhiều người ăn nuôi thân thể để sinh tồn và để làm việc, nhưng họ không có cơ hội thưởng thức món ăn.”

Cô nói thêm: “Trong cách ăn chay của chúng tôi, chúng tôi khuyến khích người ta thay đổi cả hai, món ăn và cách ăn. Nhiều khách của chúng tôi nói, ‘Chúng tôi thích tới nhà hàng của bạn vì món ăn của bạn khiến bao tử tôi hạnh phúc.’ Và chúng tôi rất vui được nghe như thế.”