Sự truyền nhiễm của dịch bệnh cúm gia cầm (còn được gọi là cúm gà) là một trong những hiểm họa nghiêm trọng nhất xảy ra cho nhân loại. Bệnh này lây nhiễm cho con người từ việc giết hại hoặc ăn thịt những sinh vật nhiễm bệnh như gà vịt.
Sự ăn thịt ảnh hưởng đến dịch bệnh
Bệnh cúm từ lâu đã liên quan đến công nghệ thịt, với những siêu vi khuẩn (virus) cúm xuất hiện trong những thành phố nơi súc vật bị giam giữ trong tình trạng tù túng và bị giết trong những trang trại chật hẹp. Từ năm 1959 đến nay đã có 22 dịch cúm, tất cả đều phát sinh từ những trại nuôi heo và gà. Trong năm 1997, con người đã tránh được một dịch cúm khi giới hữu trách Hồng Kông giết hết số gà trên đảo. Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization - WHO) đã thành lập Mạng lưới quốc tế giám sát dịch cúm (Global Influenza Surveillance Network) để theo dõi những siêu vi khuẩn mới tạo nên bệnh cúm từ heo và gia cầm.
Các khoa học gia cho rằng siêu vi khuẩn bệnh cúm cần phải trải qua 10 giai đoạn biến dạng trước khi tạo nên dịch bệnh cho con người. Môi trường lý tưởng cho sự biến dạng này là những trại nuôi heo và gà vịt. Heo có thể nhiễm bệnh từ những siêu vi khuẩn trong gia cầm và con người. Thật ra, trong những dịch bệnh quá khứ, loài heo đã là "chiếc thuyền" chuyên chở sự biến dạng mới, những dạng mới này thường lây nhiễm giữa loài heo và loài người. Thí dụ như, trong tháng 7 năm 2005, một giống siêu vi khuẩn gây bệnh từ loài heo đã xuất hiện tại tỉnh Tứ Xuyên thuộc Trung Quốc, lây nhiễm đến hàng trăm người và làm thiệt mạng 40 người.
Các khoa học gia đã điều tra và thấy rằng siêu vi khuẩn mới tạo nên bệnh cúm gia cầm đã phát sinh tại vùng châu thổ sông Châu của Trung Quốc, một vùng nuôi rất nhiều gà vịt, heo và những loại súc vật khác để ăn thịt. Theo một bài nghiên cứu, có đến 134 giống vật khác nhau được buôn bán trong các chợ trong vùng, nhiều nơi ngập máu và phân chứa đầy những giống siêu vi khuẩn. Những súc vật còn sống bị nhốt chung trong những thùng chật hẹp, không được cung cấp thức ăn và nước, thường bị lóc da và giết tại chỗ. Trong môi trường áp lực nặng nề này, hệ thống miễn nhiễm của thú vật thường bị yếu đi, và sự kết hợp của nhiều súc vật mang những chứng bệnh khác nhau đã giúp cho siêu vi khuẩn dễ dàng lây lan qua nhiều loài, đến độ giờ đã ảnh hưởng đến 75 loài khác nhau.
Theo bà Laurie Garrett, thành viên thâm niên của tổ chức Y tế Toàn cầu (Global Health) thuộc Ủy ban ngoại giao, là tác giả quyển Dịch họa sắp đến (The Coming Plague), người đoạt giải văn chương Pulitzer, thì nếu con người vẫn giữ hệ thống ăn thịt thú vật, siêu vi khuẩn gia cầm sẽ tiếp tục chuyển dạng theo cách này "đến mức độ càng khó đối phó hơn".
Lịch sử những thảm họa trong quá khứ
Những nhà khảo cổ tìm hiểu về xương thú vật đã theo dõi nhiều chứng bệnh phát sinh từ sự giam cầm thú vật bắt đầu từ 10 ngàn năm trước. Xương chân của những loại gia súc trong thời gian này đã bị biến dị dạng giống như chân của những súc vật đã bị giam cầm, và những người giam giữ chúng đã chết từ những chứng bệnh sinh ra từ súc vật như lao phổi, đậu mùa và cúm. Những chứng bệnh phát sinh từ thú như bệnh "long mồm lở móng" (foot-and-mouth disease) đã xuất hiện trong thời gian này, giết sạch những súc vật mà con người phụ thuộc vào để làm thực phẩm, khiến cho con người bị thiếu dinh dưỡng, dễ mang bệnh và tạo nên nạn đói. Vì vậy, trực tiếp hay gián tiếp, sự ăn thịt qua hàng trăm thế kỷ đã tạo nên những hiểm họa còn đáng sợ hơn là thiên tai.
Cho đến nay, thống kê đã cho thấy một phần ba nhân loại sẽ chết từ một chứng bệnh phát sinh từ loài vật, và ba phần tư tất cả những chứng bệnh của con người đều phát sinh từ thú vật. Ngược lại, người Da Ðỏ, với phong tục không giam giữ thú vật như những giống người khác, đã hoàn toàn không mắc phải những chứng bệnh lây nhiễm trước khi người Âu Châu đến. Sau đó, những chứng bệnh Âu Châu sinh ra từ thú vật đã giết chết 90 phần trăm số thổ dân trên cả hai lục địa Bắc Mỹ và Nam Mỹ.
Hơn nữa, trong số 10 nguyên nhân hàng đầu làm thiệt mạng con người tại những quốc gia chậm tiến đều phát sinh từ thú vật, và đứng đầu là bệnh AIDS. Lúc đầu, siêu vi khuẩn HIV gây bệnh AIDS đã phát sinh từ những người buôn bán thịt khỉ vượn. HIV hiện đã lan nhiễm đến 65 triệu người và làm thiệt mạng 25 triệu. Các khoa học gia đã kết luận rằng một giống siêu vi khuẩn trong loài khỉ mang tên SIV đã nhảy qua nhiều loài vật, từ những người săn thú và những động vật linh trưởng (động vật có tứ chi) bảy lần trước khi trở thành HIV, cho thấy một số lớn siêu vi khuẩn đã lây chuyển từ việc săn thú.
Chu trình bạo động
Một phương pháp thường dùng để ngăn chận bệnh cúm gia cầm là giết đi những con gà mang bệnh. Do đó, khoảng 150 triệu gà vịt chim chóc đã bị giết trong kỳ dịch bệnh vừa xảy ra. Một nghiên cứu soạn cho Liên Hiệp Quốc phát hiện cách giết gia cầm thông thường là đập chết chúng bằng cây và gậy sắt, hoặc bỏ chúng vào bao plastic và chôn sống trong hầm. Trong vài trường hợp, người ta đổ xăng vào hầm và đốt sống những thú vật này trước khi chôn. Hơi thán khí, tạo nên sự đau đớn nhức nhối như dao đâm và đưa đến cái chết dần mòn, cũng đã được sử dụng.
Trò chơi nguy hiểm
Ngoài việc chăn nuôi gà vịt, một cách khác mà cúm gia cầm có thể truyền nhiễm sang con người là từ việc săn vịt. Vịt là loài lây nhiễm cúm gia cầm trong chốn hoang dã; và khi vịt bị thợ săn bắn, siêu vi khuẩn sẽ lây nhiễm đến bất cứ gì thứ tiếp xúc với xác vịt. Qua lịch sử, con người đã truyền nhiễm những bệnh phát sinh từ thú vật đến người khác qua việc săn bắn.
Trong khi việc săn bắn chim muông đã bị cấm tại nhiều quốc gia trong năm nay do dịch bệnh cúm gia cầm, những người đi săn đã làm ngơ trước lệnh cấm này. Như một viên chức người Lebanon về săn bắn cho biết: "Những người đi săn có lẽ không tin chánh quyền, vì vậy đã không nghe theo lệnh cấm. Họ không biết rằng bệnh cúm gia cầm đã khiến cho việc săn bắn trở thành một quan tâm sức khỏe toàn quốc, chứ không còn là một sinh hoạt xã hội hay kinh tế".
Bệnh cúm gia cầm cũng lây lan qua việc buôn bán những giống chim quý, một số đã bị giới hữu trách Anh quốc bắt giữ. Thêm vào đó, các nhân viên hữu trách thấy rằng một số gà đá mắc bệnh cũng đã được mang lậu ra khỏi Trung Quốc. Theo ông David Morgan, khoa học gia trưởng của Hội nghị mậu dịch quốc tế những thú diệt chủng (Convention on International Trade in Endangered Species - CITES): "Chỉ cần có một giống mẫu vượt qua được lưới để có thể lây bệnh."
Một tương lai tươi sáng có thể thành tựu
Trong khi các giới hữu trách cố gắng kiểm soát sự phát sinh dịch cúm gia cầm bằng một nỗ lực làm mất hàng tỷ Mỹ kim cho nền kinh tế toàn cầu và hàng trăm triệu sinh mạng gà vịt, chúng ta không thể không thắc mắc có giải pháp nào thích đáng hơn là giết hại hàng loạt thú vật, đó là ăn chay. Trong khi mua thịt tại các chợ và siêu thị, người ta có thể tự hỏi: "Miếng thịt này có đáng để đổi lấy một dịch bệnh toàn cầu?" Và nếu người ta kết luận rằng một luật quan trọng của thiên nhiên là "Giết hoặc bị giết", họ chỉ cần nhớ đến loài chó, một tấm gương về sự thuần hóa. Chỉ đơn giản bằng cách chia sẻ thức ăn và chỗ ở với chó, con người đã biến một kẻ thù trước kia thành kẻ hướng dẫn, bảo vệ và "người bạn tốt nhất". Vậy việc làm bạn với những thú vật hiền lành như bò, heo, gà vịt còn dễ hơn biết bao! Giết những thú vật này làm thịt là một hành vi lạc hậu, kém văn minh, làm nguy hiểm đến sức khỏe của tất cả mọi người trên địa cầu. Chúng ta hãy hy vọng rằng những biện pháp nhân bản để đối phó với dịch cúm gia cầm sẽ được chấp nhận trong một tương lai gần đây. ♥
Tham khảo:
- http://www.ncbi.nlm.nih.gov/entrez/query.fcgi?cmd=Retrieve&db=PubMed&list_uids=11516376&dopt=Citation
- http://www.fas.org/irp/threat/nie99-17d.htm
- http://content.nejm.org/cgi/content/full/353/13/1374
- http://www.unaids.org/epi2005/index.html
- http://bioanthropology.huji.ac.il/pdf/2.pdf
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét