16 tháng 2, 2010

Đường và các chất ngọt khác: Những thứ này có chứa thành phần động vật không?

Do Caroline Pyevich viết

Đường tinh chế

Một số người ăn chay tránh dùng đường tinh chế vì trong quá trình chế biến, người ta có thể dùng than xương để tẩy trắng. Một máy lọc bằng than được kích hoạt, đôi khi làm bằng than xương, để tẩy trắng đường qua quá trình hấp thụ. Trong khi dụng cụ lọc bằng than xương được một số công ty chế biến đường lớn dùng, nhưng không phải được dùng để sản xuất tất cả loại đường tinh chế.

Có hai loại đường tinh chế ở Hoa Kỳ là đường củ cải và đường mía. Đường mía chủ yếu được trồng ở Florida, California, Louisiana, Hạ Uy Di, và Texas. Đường củ cải được trồng tại các tiểu bang trong vùng trung địa của Hoa Kỳ. Thật ra phần lớn đường mía được nhập cảng.

Theo những nhà sản xuất đường củ cải, đường củ cải và đường mía có dinh dưỡng tương tự nhau, và người ta thường không nếm được sự khác biệt giữa hai loại. Cả hai đều làm từ sucrose. Sự sản xuất và bán hàng của mỗi loại đường cũng gần tương tự nhau.

Công ty tinh chế đường củ cải không bao giờ dùng bộ lọc bằng than xương vì loại đường này không cần phương pháp tẩy trắng. Đường củ cải có thể được tinh chế với bộ lọc ép và hệ thống trao đổi ion. Đường củ cải rất thông dụng ở Trung Mỹ vì được trồng ở vùng này. Nó thường có nhãn hiệu là “Granulated Sugar.” Đường củ cải trở nên ngày càng thịnh hành ở Hoa Kỳ vì chính phủ liên bang trợ cấp cho công nghệ này.

Gần như tất cả nhà máy tinh chế đường mía đều cần dùng một bộ lọc đặc biệt để tẩy trắng đường và để hấp thụ những chất vô cơ. Quá trình tẩy trắng này xảy ra vào cuối tiến trình tinh chế. Chất tẩy có thể là than xương, hạt than, hoặc một hệ thống trao đổi ion. Hạt than được làm từ gỗ hoặc than, và hệ thống trao đổi ion không cần dùng thành phần động vật (2).

Xương bò là loại duy nhất dùng làm than xương. Theo Hội Chế biến Đường và nhiều công ty sản xuất đường lớn, tất cả những con bò này đã chết vì “lý do tự nhiên” và không đến từ kỹ nghệ làm thịt ở Hoa Kỳ. Than xương không thể được sản xuất hoặc mua ở Hoa Kỳ (3).

Than xương đến từ xương gia súc ở A Phú Hãn, Á Căn Đình, Ấn Độ, và Pakistan. Loại xương tẩy trắng bằng ánh sáng mặt trời, được các chuyên gia tiếp thị người Tô Cách Lan, Ba Tây và Ai Cập mua và bán cho kỹ nghệ chế biến đường ở Hoa Kỳ sau khi xương được dùng bởi kỹ nghệ làm gelatin trước (4).

Xương được nấu lên đến nhiệt độ rất cao, để gây sự thay đổi thể chất trong cấu tạo của xương. Xương trở thành than nguyên chất trước khi được dùng trong công ty tinh chế.

Đường tinh chế không có chứa thành phần xương, và do đó nó được chứng nhận là chính đáng. Than xương chỉ khử các chất không tinh khiết từ đường, nhưng không trở thành một phần của đường.

Những miếng than xương, giống như hạt than, có thể dùng vài năm. Chúng phải được rửa liên tục để lấy đi cặn đường. Các công ty dùng than xương cho biết tro có thể rẻ tiền hơn và hữu hiệu hơn những chất lọc khác (4).

Nhiều công ty tinh chế đường mía dùng than xương. Domino, nhà máy chế biến đường lớn nhất, dùng than xương trong quá trình tinh lọc. Công ty tinh chế mía Savannah Foods, nhà máy sản xuất đường lớn thứ nhì, cũng dùng than xương. Đường California và Hạ Uy Di áp dụng bộ lọc bằng than xương cùng với hạt than và bộ lọc trao đổi ion. Tất cả công ty này dùng than xương trong quá trình tinh lọc đường vàng, đường bột (đường trộn với bột bắp) và đường trắng.

Một số công ty tinh chế đường mía không dùng than xương. Đường Tinh Chế, nhà sản xuất Đường Jack Frost, tuyên bố họ dùng hạt than thay vì than xương vì lý do kinh tế. Đường Crystal ở Florida là một loại đường mía không đi qua xương. Mặc dù đường Crystal ở Florida có màu rơm, những chất không tinh khiết vẫn đã được loại bỏ.

Một số nhãn hiệu trên gói đường có vẻ như cho biết sản phẩm này là đường sống, nhưng tất cả các loại đường thương mại đều đã trải qua quá trình tinh lọc. Đường sống thật sự không thể được mua bán cho người tiêu dùng ở Hoa Kỳ vì theo tiêu chuẩn FDA, đường đó không thích hợp để được người ta tiêu thụ.

Đường Turbinado là một sản phẩm được chế biến bằng cách tách riêng tinh thể đường mía sống trong một máy ly tâm và rửa chúng bằng hơi nóng. Theo Đường Domino, đường turbinado không đi qua bộ lọc than xương vì người ta muốn giữ màu nâu của đường.

Đường tinh chế gồm có nhiều giai đoạn, bao gồm phần lọc sạch và một bước đầu tiên mà xi-rô đường được thêm vào. Những tác nhân lọc sạch là calcium hydroxide, phosphoric acid, và polyacrylomite. Đường dùng trong xi-rô đầu tiên là một loại đường sống trung gian chưa đi qua bộ lọc than xương.

Nếu lý do duy nhất để bạn không tiêu thụ đường tinh chế là vì việc dùng than xương, thì bạn nên nghĩ đến mua loại đường chưa đi qua tro. Đường củ cải tinh chế, không bao giờ dùng than xương, thường được dán nhãn là đường cát. C & H chế tạo một loại đường chưa đi qua than xương. Nó được đề nhãn là Washed Raw Sugar. Đường mía, đôi khi dùng than xương, được phân biệt bằng cách ghi là đường mía trên bao bì.

Mật mía

Một trong những sản phẩm phụ của đường tinh chế là mật mía. Mật mía được loài người tiêu thụ chỉ đến từ đường mía. Một số mật mía được chế tạo bằng cách trực tiếp đun sôi đường mía.

Nhiều phân hạng mật mía tương xứng với hương vị và trình độ của quá trình làm mật mía. Mật mía đen là loại mật mía hạng thấp nhất được làm ra vì phẩm chất đắng của nó. Tất cả mật mía trong thực phẩm được phân hạng đều đã bị khử lưu huỳnh. (6)

Mật mía từ đường củ cải không thích hợp để người ta ăn vì quá đắng. Mật mía từ đường củ cải được dùng để nuôi bò sữa và gia súc. Xi-rô được thêm vào thức ăn của chúng để làm nó ngọt hơn chút. Mật mía bằng đường củ cải còn được bán cho các công nghệ làm men (1).

Xi-rô từ mật mía được loài người tiêu thụ chưa đi qua máy lọc than xương hoặc máy lọc than nào. Khoảng 95% mật mía bị lấy ra trước khi đường đi qua bộ lọc than xương hoặc lọc than. Tất cả mật mía đã đi qua tro được dùng trong thức ăn cho thú vật hoặc để làm men. Các công ty chế biến mật mía thường mua sản phẩm đầu tiên của họ từ nơi tinh chế đường rồi họ tiếp tục tinh chế xi-rô thêm. Họ không dùng bất cứ bộ lọc tro nào vì họ không muốn khử đi màu nâu của đường (5).

Đường vàng căn bản là đường tinh chế có thêm mật mía trong đó. Đường vàng được chế tạo bởi công nghệ làm củ cải dùng mật mía, nhưng mật mía này chưa đi qua than xương. Công ty chế biến đường mía dùng than xương sẽ dùng than xương để tinh chế đường vàng (6).

Xi-rô Cây Thích

Xi-rô cây thích là một chất làm ngọt khác đôi khi làm người ăn chay thuần bận tâm. Quá trình làm xi-rô cây thích đòi hỏi một tác nhân giảm bọt từ xi-rô bằng cách thêm một chút chất béo vào trong chất lỏng.

Quy trình truyền thống để giảm bọt trong xi-rô cây thích dùng mỡ. Trước kia, những nhà sản xuất địa phương treo mỡ lợn trên ống xi-rô cây thích để mỡ nhỏ giọt xuống xi-rô. Những nhà sản xuất khác dùng sữa, kem hoặc bơ. Nếu các sản phẩm động vật được dùng trong hình thức mỡ heo hoặc sữa, thì số lượng rất ít. Ví dụ, từ tám đến mười ga-lông xi-rô cần ¼ muỗng cà-phê kem hoặc một giọt bơ lớn bằng hạt đậu.

Dầu thực vật là một tác nhân giảm bọt. Có thể cho một chút vào đầu một cây gỗ và nhúng vào phần bọt của xi-rô cây thích. Đa số nhà sản xuất xi-rô cây thích hiện dùng dầu thực vật hay tổng hợp giảm bọt thay vì mỡ heo.

Một loại giảm bọt thương mại (gọi là Atmos300K) gồm có monoglycerides và diglycerides. Theo WITCO, nhà sản xuất loại giảm bọt này, thì những glycerides này lấy từ nguồn gốc thịt hay rau quả. Một nhãn hiệu chất giảm bọt hàng đầu khác, Reynolds Magic Syrup Defoamer, cũng có thành phần acetylated monolycerides.(7)

Các thương hiệu xi-rô cây thích nổi tiếng cho bánh kếp, như Mrs. Butterworths hay Log Cabin thường có 2-5% xi-rô cây thích. Xi-rô bắp là thành phần chính của đa số xi-rô cho bánh kếp. Xi-rô cây thích nguyên chất sẽ có một lớp nhãn và tuyên bố “100% xi-rô cây thích nguyên chất.” (8)

Muốn xác định xem một nhãn hiệu xi-rô nào đó có gốc từ động vật hay rau quả thì có thể khó khăn. Đa số xi-rô không dùng mỡ heo, ngoại trừ một số sản phẩm có quy mô nhỏ. Thương hiệu được chứng nhận là kosher, như Spring Tree hay Cây thích Groves, chắc không có sản phẩm động vật trong chất giảm bọt của họ. Holsum Foods, nhà sản xuất xi-rô cho bánh kếp, cũng dùng dầu thực vật để làm tác nhân giảm bọt, và các sản phẩm của họ được dán nhãn của những hệ thống làm thực phẩm như Dominick, Supervalue và Superfine.

Màu Đường Thắng

Màu Đường Thắng không phải là mùi vị, đó là tác nhân làm màu thực phẩm. Màu đường thắng được dùng trong đa số sản phẩm có màu nâu. Hai hãng tiêu thụ chất màu nhiều nhất là Côca Côla và Pepsi. Màu đường thắng cũng được dùng trong bánh mì lúa mạch đen và bánh mì pumpernickel, ngũ cốc, trà đá, xi-rô, thức ăn chó và bột bánh kếp.

Màu đường thắng được dựa trên nguyên liệu carbohydrate. Đa số nhà sản xuất màu đường thắng thích sử dụng glucose xi-rô để làm chất carbohydrate đầu tiên. Glucose xi-rô gần như là dextrose nguyên chất. Trong khi glucose xi-rô của Hoa Kỳ thường là xi-rô bắp, cũng có thể được làm từ khoai tây, lúa mì hoặc các nguồn khác.

Màu đường thắng không có thành phần động vật. Mặc dù lactose (một loại đường từ sữa) là một trong những chất phản ứng carbonhydrate nguyên chất dùng được, chúng tôi được Sethness, công ty làm màu đường thắng lớn nhất trên thế giới, cho biết rằng lactose không được dùng bởi bất cứ hãng sản xuất màu đường thắng nào trên thế giới. Gần như tất cả kỹ nghệ bắt đầu quy trình bằng glucose xi-rô. Màu đường thắng được miễn không cần giấy chứng nhận của chính phủ, có nghĩa là nó được chấp thuận làm thành phần của thực phẩm có thể cho vào thức ăn mà không cần sự cho phép của chính phủ.

Chất carbonhydrate đầu tiên phản ứng với hóa chất như axít ăn được, chất kềm và muối. Sau đó nó được đun nóng lên, rồi bị ép, và đi qua quá trình làm cháy. Sản phẩm cuối cùng là một chất lỏng có màu cháy, và làm ra màu rất nhiều. Chẳng hạn, theo một chuyên viên làm màu đường thắng, một muỗng cà phê màu đường thắng sẽ được dùng trong cả lọ nước Pepsi.

Đường củ cải hoặc đường mía tinh chế có thể được dùng để làm màu đường thắng, nhưng đó không phải là phương pháp thông dụng. Đường chỉ được dùng vào dịp lễ Quá Hải, khi luật Do Thái không cho phép sử dụng xi-rô bắp. Các sản phẩm có màu đường thắng làm từ đường tinh chế sẽ được dán nhãn như thế (9).

Thư Mục

  1. Western Sugar, phỏng vấn riêng tháng 7, năm 1996.
  2. Refined Sugar Inc., phỏng vấn riêng tháng 7, năm 1996.
  3. The Sugar Association, phỏng vấn riêng tháng 7, năm 1996.
  4. Domino Sugar, phỏng vấn riêng tháng 7, năm 1996.
  5. Malt Products, phỏng vấn riêng tháng 7, năm 1996.
  6. California and Hawaiian Sugar, phỏng vấn riêng tháng 7, năm 1996.
  7. Richards of Ohio (cây thích), phỏng vấn riêng tháng 7, năm 1996.
  8. Proctor Maple Research Center, phỏng vấn riêng tháng 7, năm 1996.
  9. Sethness, phỏng vấn riêng tháng 7, năm 1996.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét